16/12/12


NHỮNG CÁCH GIÚP BÉ PHÁT HUY TÍNH SÁNG TẠO
09:13 17 thg 7 2009Công khai1 Lượt xem2
 
Mọi trẻ em đều tiềm ẩn năng lực sáng tạo, vấn đề là người lớn có biết các phương pháp khuyến khích trẻ, có giành đủ thời gian tương tác tích cực với chúng, có giao cho chúng những nhiệm vụ (trò chơi/tình huống) đòi hỏi phải có hành vi sáng tạo hay không. Sự sáng tạo của trẻ em không giống như sự sáng tạo của người lớn. Sáng tạo của người lớn là tạo ra cái mới, cái độc đáo, gắn với tính chủ đích, có tính bền vững và thường là kết quả của quá trình nỗ lực tìm tòi... Sự sáng tạo của trẻ em lại khác, thường bắt đầu từ sự tái tạo, bắt chước, mô phỏng… và thường không có tính chủ đích. Sự sáng tạo của trẻ em phụ thuộc nhiều vào xúc cảm, vào tình huống và thường kém bền vững.

Những yếu tố ngăn cản phát triển trí sáng tạo ở trẻ mầm non

Môi trường giáo dục, văn hoá ứng xử trong gia đình, cũng như ở trường học của chúng ta hiện nay dường như đang ngăn cản đáng kể, không có chỗ để những hành vi sáng tạo của trẻ được nảy mầm.

Các nghiên cứu trên trẻ em Việt Nam cho thấy:

- Người lớn thường thích trẻ vâng lời hơn là thích trẻ sáng tạo.

- Người lớn thích trẻ làm theo sự chỉ dẫn của mình hơn là thích trẻ có ý tưởng riêng.

- Người lớn thích áp đặt ý tưởng, mong muốn, cách làm của mình hơn là để trẻ được tự do thể hiện ý tưởng, được làm theo cái trẻ thích…

- Người lớn thường đánh giá thấp khả năng của trẻ, không tin rằng trẻ có thể làm được?...

Sẽ là sai lầm đáng tiếc nếu ai đó nghĩ rằng người lớn khôn hơn, kinh nghiệm hơn còn thấy sáng tạo là khó, huống hồ trẻ 3-5 tuổi, chơi chưa xong, sao được gọi là sáng tạo, chẳng qua chỉ là bắt chước.

Sự thật hành vi sáng tạo dễ xuất hiện ở trẻ và đơn giản hơn người lớn nghĩ rất nhiều. Trẻ 2-3 tuổi nghe người lớn nói một điều gì đó, sau đó nó ứng dụng phù hợp với một ngữ cảnh, biết “cải biến” hoặc “cắt may” cho phù hợp với tình huống để đạt mục đích đã được các nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em coi là hành vi sáng tạo. Sự sáng tạo của trẻ trải dài trên một phổ hành vi từ đơn giản đến phức tạp.

Nhiều người lớn quá hào phóng với hình phạt, chê bai trẻ và tiết kiệm quá đáng những lời khen, sự khuyến khích. Điều này làm mất đi chất xúc tác kỳ diệu nuôi dưỡng hành vi sáng tạo ở trẻ.

Người lớn không yêu cầu cao, không giao cho trẻ những nhiệm vụ đòi hỏi sự mạo hiểm, sáng tạo?... Điều này dẫn đến hệ quả là, làm trẻ có nguy cơ thiếu hụt sự trải nghiệm cần thiết, ngăn trở trẻ nỗ lực tìm kiếm các giải pháp sáng tạo.

Nhiều khi người lớn vì sợ trẻ gặp nguy hiểm mà vô tình ngăn cản những hành vi mạo hiểm cần thiết… để rèn luyện bản lĩnh sáng tạo cho trẻ… làm chúng mất cơ hội để trải nghiệm, trở nên thụ động và kém tự tin…

Như vậy, có thể chính người lớn với những cách suy nghĩ, ứng xử không hợp lý, có gốc rễ từ yếu tố tâm lý, văn hoá, lịch sử xã hội… là nguyên nhân chính đang ngăn cản sự phát triển tính sáng tạo của trẻ.

Cha mẹ cần làm gì để phát triển trí sáng tạo cho trẻ?

Lứa tuổi mầm non là lứa tuổi tràn ngập xúc cảm, phát triển trí tò mò, trí tưởng tượng bay bổng,… khả năng liên tưởng mạnh… vì vậy đây là giai đoạn tối ưu, là “mảnh đất” mầu mỡ nhất để gieo hành vi sáng tạo.

Tại sao chỉ vài mẩu gỗ, vài mẩu vải vụn, những mẩu giấy xé dán, hoặc chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc, bôi/quét màu xanh đỏ trên giấy không rõ hình thù..., vốn rất ít có ý nghĩa, thậm chí hoàn toàn vô bổ với người lớn, nhưng lại thu hút toàn bộ tâm trí trẻ, chúng chơi rất say sưa. Đó là vì trẻ được chơi với những ý tưởng của mình. Chính xúc cảm nảy sinh trong quá trình chơi, chứ không phải sản phẩm cuối cùng (bức vẽ đẹp hay không đẹp theo cách nhận xét thường thấy ở người lớn) nuôi dưỡng trí tưởng tượng sáng tạo.

Vậy có những cách nào giúp trẻ sáng tạo?

Cho trẻ quan sát một bức tranh, trẻ có thể kể thành một câu chuyện có tình tiết, có lô gíc, biết đặt tên cho bức tranh vậy là chúng đã sáng tạo ra câu chuyện theo ý tưởng và kinh nghiệm riêng của chúng rồi. Cho trẻ xem những hình tròn, hình vuông, hình tam giác… rồi để trẻ vẽ chúng thành những thứ trẻ thích, ví dụ ông mặt trời, ngôi nhà, cái đầu của con chuột…, vậy là chúng đã sáng tạo. Trẻ nghĩ ra quy tắc chơi, biết điều chỉnh quy tắc chơi cho phù hợp với tình huống… đó là sáng tạo.

Trẻ càng được khuyến khích, tự do chơi với ý tưởng của mình càng có nhiều cơ hội để phát triển. Thật ra sự sáng tạo luôn hiện hữu trong hành vi của trẻ, vấn đề là người lớn có nhìn ra, có cổ vũ, có biết nhiều phương pháp để nuôi dưỡng và kích hoạt kịp thời hay không.

Muốn giúp trẻ phát triển khả năng tưởng tượng, liên tưởng, sớm hình thành tư duy sáng tạo, thì không thể để trẻ cứ chơi tự do (để trẻ tự chơi một mình nhiều khi rất có hại), lại càng không phải là những trò chơi đơn lẻ, ngẫu hứng. Người lớn thường ngạc nhiên, kỳ vọng…trước một hành vi quá thông minh, rất sáng tạo bất ngờ xuất hiện ở trẻ, rồi lại băn khoăn, thất vọng… vì chờ mãi không thấy những hành vi tương tự xuất hiện, mà thay vào đó là những hành vi không mong đợi như mè nheo, hờn dỗi, ăn vạ…

Thực tế mọi hành vi thông minh, sáng tạo đơn lẻ ở trẻ sẽ nhanh chóng biến mất nếu không được kịp thời khuyến khích, củng cố. Cả cô giáo lẫn cha /mẹ cần phải để tâm, dày công tìm kiếm các bài tập, tình huống, thiết kế thành trò chơi, tìm cách lôi cuốn trẻ… giúp trẻ thực hành đóng vai, chơi say sưa, tập luyện một cách thường xuyên và có hệ thống mới mong sớm giúp trẻ hình thành tư duy sáng tạo.

Các bậc phụ huynh có thể tham khảo phương pháp phát triển trí sáng tạo cho trẻ em được nhóm chuyên gia Trường mầm non Hoàng Gia phát triển thành một hệ thống các bài học cụ thể, theo triết lý: kiên trì gieo hành vi tích cực, gặt hái thói quen tốt, gieo thói quen tốt gặt hái tính cách bản lĩnh sáng tạo…

- Chẳng hạn như bài học giúp trẻ suy luận sáng tạo: Điều gì xảy ra nếu bé không mặc áo ấm đi ra ngoài khi trời lạnh?; Nếu trời mưa thì đường…;

- Sáng tạo trong giải quyết tình huống: Bé sẽ làm gì nếu búp bê bé đang mặc quần áo biết nói "ôi chị làm em đau quá"?

- Sáng tạo từ những câu hỏi tại sao: Tại sao con người lại có 2 mắt 2 tai, nhưng chỉ có một miệng?

- Sáng tạo trong giải quyết tình huống bất thường: Bé sẽ làm gì nếu hàm răng của mình biết nói... "eo ôi tôi chẳng ở lại cùng bạn nữa, bạn chẳng chịu vệ sinh cho tôi gì cả, tôi sẽ đi đây, rồi một buổi sáng thức đậy bé bỗng thấy mình chẳng còn chiếc răng nào cả... ?"

- Sáng tạo thông qua các câu hỏi phản đề/ lập dị: bé hãy nghĩ xem có những tiện ích hay rắc rối nào…nếu con người có thêm một mắt ở phía sau gáy?);

- Kể chuyện sáng tạo...

Để hình thành kỹ năng hợp tác nhóm, trí sáng tạo đa mặt ở trẻ, phụ huynh có thể tham khảo phương pháp sáng tạo theo nhóm do các chuyên gia trường Mầm non Hoàng Gia soạn thảo.

Chẳng hạn, các em được yêu cầu cùng bạn vẽ một bức tranh hoặc cùng hoàn thiện một bức vẽ từ những hoạ tiết cho trước, hoặc cùng xé dán/cùng cắt got/ nặn…, hoặc cùng xây dựng một công viên vầng trăng từ những khối gỗ đa màu. Trẻ được phân theo nhóm, được yêu cầu trao đổi để thống nhất cả nhóm phải làm gì, nhiệm vụ cụ thể của từng người. Sau khi bức tranh hoàn thành, từng trẻ đặt tên cho bức tranh đó, và giải thích tại sao lại đặt cái tên này, rồi nhóm thảo luận chọn một cái tên thích hợp nhất. Nhóm trẻ lại được yêu cầu thuyết trình, giới thiệu… hoặc kể thành câu chuyện… cho nhóm kia (trong vai khách thăm quan).

Chính thông qua những hoạt động được thiết kế tích hợp các mục tiêu, trẻ sẽ học được cách quan sát, phát hiện thế giới, học cách đặt câu hỏi, học cách giải thích, trao đổi nhận xét, trải nghiệm những xúc cảm, tạo dựng sự tự tin, phát triển ngôn ngữ.

Tóm lại, muốn con sáng tạo, cha mẹ phải học cách sáng tạo cùng con, phải dành thời gian để chơi cùng trẻ.

Kích thích trí tuệ của bé tuổi mầm non 
   
Nếu nhóc tì 2 tuổi của bạn cần được bố mẹ khuyến khích, trò chuyện thật nhiều để nhanh biết nói thì khi lên 4, trí sáng tạo của bé sẽ phát triển tốt hơn nhờ các trò chơi hào hứng.

Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, chuyên gia tư vấn giáo dục Trường mầm non Hoàng Gia cho biết, tuổi mầm non (0-6 tuổi) là giai đoạn đặc biệt quan trọng để phát triển cảm xúc, khám phá các mối quan hệ và là nền tảng để hình thành nhân cách. Với mỗi tuổi khác nhau, trẻ có đặc điểm tâm lý riêng. Nắm được đặc điểm này, cha mẹ sẽ có cách giáo dục phù hợp:

* 0-1 tuổi: Trò chuyện với bé mọi lúc

Lúc này, mọi thứ xung quanh đều rất mới mẻ với bé và trẻ thường sử dụng mồm, tay để khám phá. Các bé chủ yếu chơi một mình, cần nhất được an toàn và sự chăm sóc của bố mẹ.

Bé chưa biết nói nhưng đã có khả năng hiểu ngôn ngữ. Ở tuổi này bé cần được nghe tiếng mẹ đẻ thật nhiều. Bố mẹ nên tận dụng mọi lúc khi bế, lúc tắm, thay đồ... ) để nói chuyện hay đơn giản chỉ là ê a với con.

* 1-2 tuổi: Cho bé nghe và vận động nhiều (bò, lê la, tập di chuyển đồ chơi, lần tường...) để con nhanh biết nói.

Phụ huynh nên thường xuyên trò chuyện cùng bé, cho con chơi những đồ chơi có màu sắc, phát ra âm thanh để giúp trẻ hình thành các phản xạ. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần theo dõi xem con có hiểu ngôn ngữ không bằng cách luôn đặt câu hỏi, nhờ bé tìm đồ, chỉ đồ vật...

Bé 1-2 tuổi bắt đầu có nhu cầu chơi bên cạnh người khác. Vì thế, bố mẹ nên tăng cường cho bé khả năng quan sát, chơi cùng bạn.

* 2-3 tuổi: Tiếp tục khuyến khích bé nói

Bố mẹ cần làm mọi cách làm cho ngôn ngữ bên trong bé được “tuôn trào”. Chẳng hạn, bạn có thể đặt câu hỏi, khơi gợi cho bé nói ra các nhu cầu, nếu trẻ nói được từ nào đó cần nhắc đi nhắc lại để con thành thục.

Bố mẹ nên thường xuyên đọc truyện cho con nghe. Các bé sẽ rất thích thú các mẩu chuyện tranh ngắn, nội dung đơn giản, có thể là do mẹ tự nghĩ ra. Trò chơi cắt dán, đóng vai, đóng kịch, những đồ chơi trực quan... cũng có sức hấp dẫn lớn với bé.

2-3 tuổi cũng là lúc bé hay bắt chước nhất, vì vậy bố mẹ cần chú ý cách ăn nói, hành vi của mình.

Khi con bước vào tuổi này, bạn có thể rèn cho bé kỹ năng đi vệ sinh (cầm bô, đổ bô...) và tự chăm sóc mình cũng như biết cách nhờ người khác giúp đỡ. Bố mẹ cũng nên dạy con vài thói quen tự phục vụ như tập gấp khăn mặt, cất đồ chơi...

Trẻ ở tuổi này hay dỗi, bắt đầu hình thành cái tôi bướng bỉnh, làm cho cha mẹ cảm thấy rất khó bảo. Các bé rất thích được khen ngợi và thừa nhận. Vì thế bố mẹ nên khuyến khích tính độc lập của trẻ và khen mỗi khi bé làm được điều tốt. Khi con không nghe lời, bạn cũng chớ tỏ ra quá lo lắng mà cứ kiên trì giải thích, tránh đánh, chửi, doạ dẫm.

* 4-5 tuổi: Tạo các trò chơi hứng thú để bé phát triển tư duy và trí sáng tạo

Các bé phát triển vốn từ nhanh và có nhu cầu chơi cùng trẻ khác. Các trò chơi như đóng vai, phân biệt thuộc tính của sự vật sẽ giúp bé phát triển trí tuệ. Ví dụ, bạn có thể xếp một loạt các đồ vật như dao, thìa, bát, đũa, bông hoa... rồi bảo bé chỉ ra cái gì không thuộc cùng nhóm.

Ở tuổi này, bố mẹ cũng có thể kể chuyện sáng tạo cho bé nghe. Bạn hãy biến hóa nội dung chuyện hay cố tình kể sai để bé kể lại, điều chỉnh.

Trò chơi phát hiện mối quan hệ giữa sự vật, hiện tượng cũng rất hữu ích với các bé. Ví dụ, cho bé chơi xếp hình lego, xếp hình các con vật rồi đánh tráo, thêm bớt và bảo trẻ phát hiện, hay cho trẻ sắp xếp các vật theo cặp, ví dụ giày đi với tất, bát đi với thìa, quần và áo.... Những trò chơi này giúp bé học cách tư duy theo cấu trúc.

Bạn cũng có thể cho bé tập liên hệ giữa các bức tranh, chẳng hạn: Mẹ xếp 3 bức tranh: lửa cháy, hình ảnh em bé gọi điện và đoàn xe cứu hỏa tới rồi cho bé sắp xếp thứ tự và kể câu chuyện theo logic dựa trên các tình tiết đó.

* 5-6 tuổi: Rèn tính tự tin và các kỹ năng xã hội

Đây là thời điểm bé chuẩn bị đến trường nên quan trọng nhất là bạn cần rèn luyện cho con cách chú ý chủ định, khả năng quan sát và đáp ứng yêu cầu của cô giáo. Trẻ cũng cần được học cách chia sẻ và quan tâm đến người khác.

Ngoài ra, để con tự tin đến trường, bạn hãy dạy bé khả năng giải quyết vấn đề, chẳng hạn: khi bị bạn đẩy, giằng sách vở... thì con phải làm thế nào (bằng cách đặt câu hỏi, giữ bình tĩnh, nhờ giúp đỡ.... ), thói quen lập kế hoạch và cách tạo lập quan hệ tốt với bạn bè.

Tính tự lập, tự tin cũng rất cần cho luyện cho trẻ ở tuổi này. Bé rất thích được thể hiện, thích cảm thấy mình là người lớn vì thế bố mẹ có thể giao các "công việc đặc biệt" cho con như chăm sóc cây hoa, nuôi thú, dọn phòng...

Nguyên tắc quan trọng khi dạy trẻ 5-6 tuổi là "Khen là chính, trừng phạt hãn hữu". Trong đó, khi khen cần tức thời, cụ thể, còn phạt có thể để sau, lúc trẻ đã bình tĩnh. Bố mẹ cũng đừng bắt bé hứa quá nhiều và tránh không bắt con học chữ trước khi đủ tuổi đến trường.

Bạn nên tạo cho bé một góc riêng để trẻ tự bài trí theo ý thích của mình.

PGS. TS. Nguyễn Công Khanh
Chuyên gia tư vấn Trường mầm non Hoàng Gia.
Theo VNexpress  
  • MaiPham
    Hôm nay lướt tìm "Truyện tranh sáng tạo đấy", đọc được mấy bài này nên up vào blog để mọi người cùng đọc luôn. Minh học ở đấy được 1 năm thui à?
    • 2 tình yêu của mẹ.
      Dạo này bác chịu khó sưu tầm tài liệu dạy và chăm sóc con ghê .
      Hồi Minh nhà em 33 tháng có học Hoàng Gia đấy, em cũng tiếp xúc với đồng chí NGuyễn Công Khanh vài lần rùi

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét